Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
Thứ ba – 18/01/2022 10:33
Chiều ngày 18/1/2022, Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự. Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, các đồng chí: Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến dự.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.
Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án). Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dự liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Đề án đã đề ra 13 mục tiêu cụ thể trong năm 2022; 11 mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023 – 2025 và 11 mục tiêu giai đoạn 2025 – 2030. Trong đó, Đề án xác định năm 2022: Tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội; đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng công an nhân dân và nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp. Tích hợp với hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm liên thông, nhanh chóng, hiệu quả theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2023 và các năm tiếp theo tiếp tục hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác để làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ yêu cầu đa dạng về phát triển kinh tế – xã hội.
Trong tháng 2/2022, hoàn thành hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tháng 3/2022, hoàn thành việc đưa lên mức độ 3, mức độ 4 đối với 14/25 thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến người dân: xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ căn cước công dân; cấp lại, cấp đổi thẻ căn cước công dân; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hành (phạt nguội); đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu…
Hội nghị công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an thành lập Tổ công tác triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: các bộ, ngành Trung ương và địa phương xác định Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 và những năm tiếp theo; làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng về ý nghĩa của đề án để người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện; các tỉnh, thành phố thành lập tổ chức công để triển khai thực hiện Đề án; khẩn trương xây dựng kế, hoạch, lộ trình, thời gian, nhân lực triển khai, thực hiện đề án; chỉ đạo quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, trực tiếp đến tận cơ sở để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khẩn trưởng đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; nhanh chóng kết nối liên thông cơ sở dữ liệu của tỉnh, thành phố với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đảm bảo chính xác… ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đề án đạt hiệu quả; bố trí đủ nguồn nhân lực; rà soát trang thiết bị, tiết kiệm tối đa, thay đổi những thiết bị không thể tận dụng được để đáp ứng yêu cầu thực hiện đề án; phải làm đến nơi, đến chốn, hiệu quả nhằm xây dựng chính quyền số, chính phủ số, xã hội số, công dân số, tất cả để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ngọc Hân