Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
Thứ bảy – 01/01/2022 11:30
Sau 25 năm tái lập (01/01/1997 – 01/01/2022), tỉnh Cà Mau đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh có những đổi thay vượt bậc. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền quân và dân trong tỉnh luôn đoàn kết, chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, năng động sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nâng tầm vị thế đưa tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Tiềm năng năng lượng tái tạo được đầu tư khai thác hiệu quả, góp phần tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Trong chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Cà Mau đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương, Nghị quyết của Trung ương sát với tình hình thực tế của địa phương, chủ động dự báo tình hình, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, tập trung vào các khâu đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa tỉnh Cà Mau từ một tỉnh thuần nông có xuất phát điểm thấp trở thành tỉnh trọng điểm về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Giai đoạn 2015 – 2020, sản lượng chế biến hàng thủy sản xuất khẩu của tỉnh đạt 700.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,6 tỷ USD, Cà Mau tiếp tục là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về xuất khẩu mặt hàng tôm; kinh tế biển phát triển mạnh.
Nhờ chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy thế mạnh của vùng, kinh tế Cà Mau những năm qua luôn giữ vững mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng. Hạ tầng kinh tế – xã hội được tập trung đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường học, y tế… Một số công trình trọng điểm then chốt hoàn thành đưa vào sử dụng tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có nhiều đổi mới, phát triển; quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; công tác an sinh – xã hội được đảm bảo; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Diện mạo đô thị, nông thôn Cà Mau ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Ông Trần Thanh Phong, ngụ ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Giờ quê mình đổi thay phát triển hơn trước rất nhiều. Thời điểm mới tái lập tỉnh, từ nơi này sang nơi khác chủ yếu phải di chuyển bằng xuồng máy, nhiều học sinh khó khăn phải bỏ học giữa chừng. Giờ thì lộ bê tông đến tận nhà, nhà nào cũng có xe máy, điện thoại, học sinh đều được đến trường. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, nông thôn mới nên nhà nào cũng trồng hoa, cây xanh tạo cho diện mạo ấp thêm phần đẹp hơn”.
Ông Phạm Văn Hoàng, ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước cho biết: “Năm 2002 trở về trước, gia đình tôi chủ yếu độc canh cây lúa đời sống bấp bênh, những từ khi chuyển dịch sang nuôi tôm đã có nhiều đổi thay hơn trước. Thời điểm mới bắt đầu nuôi, còn khá bỡ ngỡ nhưng nhờ được địa phương hỗ trợ hướng dẫn các kỹ thuật, chọn giống gia đình áp dụng nuôi tôm thành công. Giờ tôi chủ yếu đầu tư nuôi tôm công nghiệp, dù giá cả tôm nhiều lúc cũng lên xuống nhưng mô hình này vẫn giúp gia đình tôi có được nguồn thu nhập khá, cuộc sống nhờ đó cũng sung túc hơn xưa”.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, đúng hướng của Tỉnh ủy, UBND cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế – xã hội tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng dương 0,92%; thu ngân sách đạt 5.710 tỷ đồng, vượt 4,2% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 19.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; sản lượng tôm chế biến ước đạt 170.000 tấn tăng trên 15% so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,113 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,3 triệu đồng, tăng 2,9% so cùng kỳ. Ước đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 46/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt kế hoạch đề ra.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 1,113 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ bằng nhiều giải pháp đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 xếp hạng 43 (tăng 02 bậc), chỉ số cải cách hành chính của tỉnh xếp hạng 41 (tăng 08 bậc), chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) xếp hạng 31 (tăng 09 bậc).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phan Hoàng Vũ thông tin: “Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường nhưng công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư tỉnh vẫn được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức và trở thành điểm sáng. Tính từ đầu năm đến nay, đã thu hút 32 dự án đầu tư mới với tổng vốn 9.080 tỷ đồng; lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 424 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 136.240 tỷ đồng”.
Thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021, với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh, khó lường, làn sóng người lao động ngoài tỉnh trở về Cà Mau sau khi các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội lên đến hàng chục ngàn người. Trong bối cảnh đó, nhờ sự đồng lòng vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được cách ly trở về với gia đình. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nguyễn Quốc Thanh cho biết: “Theo thống kê, đến ngày 09/11/2021 số lao động làm việc ngoài tỉnh tự phát trở về khoảng trên 54.000 người. Ban Chỉ đạo tỉnh đã giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh rà soát, thống kê số lượng lao động có nhu cầu tìm việc làm để thực hiện các giải pháp hỗ trợ. Trong đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phục hồi thị trường lao động và hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đa dạng hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin, hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động, tạo điều kiện để người lao động sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống”.
Năm 2022, theo dự báo tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến khó lường, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung tận dụng tốt các cơ hội và thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ số; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và đảm bảo đời sống của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại. Từ đó, góp phần tạo nền tảng thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 của tỉnh, quyết tâm đưa tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Trúc Đào